DI TÍCH LỊCH SỬ THÀNH CHA (THÀNH CỔ CỦA NGƯỜI CHĂMPA) THUỘC XÃ NHƠN LỘC – THỊ XÃ AN NHƠN
Thứ bảy - 07/07/2018 14:266550
Thành Cha có tên là Phật Thệ, thành đô của kinh đô Vijaya. Đây là một trong bốn thành cổ Chăm Pa ở Bình Định, từng là trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực này khoảng từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XV. Thành Cha nằm ở phía nam kinh thành Vijaya, nay thuộc địa phận thôn An Thành xã Nhơn Lộc huyện An Nhơn – Bình Định. Nằm trên một dải đất cao ở bờ nam sông Kôn, thành Cha gồm hai khu thành lớn nhỏ được xây dựng gần nhau (còn gọi là thành nội, thành ngoại), đều có bình đồ hình chữ nhật.
Sư tử bằng đá tại Thành Cha (kinh đô Vijaya) Bình Định
1-Những khảo sát và nhận định ban đầu về tòa thành cổ của người ChămPa (Theo tài liệu của nhà nghiên cứu Trần Thị Huyền Trang (Hội VHNT Bình Định): Thuở vàng son, thành Cha có tên là Phật Thệ, thành đô của kinh đô Vijaya. Đây là một trong bốn thành cổ Chăm Pa ở Bình Định, từng là trung tâm kinh tế, chính trị của khu vực này khoảng từ thế kỉ VIII đến thế kỉ XV. Thành Cha nằm ở phía nam kinh thành Vijaya, nay thuộc địa phận thôn An Thành xã Nhơn Lộc huyện An Nhơn – Bình Định. Nằm trên một dải đất cao ở bờ nam sông Kôn, thành Cha gồm hai khu thành lớn nhỏ được xây dựng gần nhau (còn gọi là thành nội, thành ngoại), đều có bình đồ hình chữ nhật. Ở khu vực thành lớn, các cặp tường thành đối diện nhau với chiều dài chênh lệch không đáng kể. Khi xây dựng, người xưa dựa vào hướng sông Kôn, nên chiều dài của bức tường thành phía bắc dài hơn phía nam một đoạn khoảng 100m. Cặp tường thành phía đông và phía tây dài gần 350m, còn cặp tường thành phía bắc và phía nam dài gần 950m. Ngoại trừ mặt thành phía bắc do gần sông Kôn nên bị xói lở gần hết, các mặt còn lại tương đối nguyên vẹn.
Khuôn viên bên ngoài của di tích quốc gia Thành Cha (Bình Định)
Ở góc tây bắc của khu vực thành lớn còn có dấu tích một khuôn viên hình chữ nhật, được bao bọc xung quanh một gò gạch mà trong đó số lượng gạch ngói còn sót lại rất lớn với những thềm cửa, trụ cửa có kích thước lớn, đặc biệt là có rất nhiều viên gạch ngói âm dương và ngói ống - loại vật liệu kiến trúc có trang trí chỉ tìm thấy tại kinh đô cũ của ChămPa như Trà Kiệu. Tại khu vực này, người ta đã phát hiện ra bức tượng bán thân của nữ thần Kabêra Yakshini rất đẹp cùng với những bức phù điêu được làm bằng đất nung rất tinh xảo, là minh chứng cho sự tồn tại hiện thực của một kiến trúc đô thành. Khu thành nhỏ được nằm giáp lưng với khu thành lớn theo hướng tây bắc, có chiều rộng 134 m và chiều dài 240m. Một điều thú vị ở đây là nhà kiến tạo nên thành cổ Phật Thệ này đã cố tình bố trí hai khu thành lớn nhỏ theo thế liên hoàn, được thể hiện ở chỗ là bức tường phía đông thành nhỏ cũng chính là một phần bức tường phía tây thành lớn nối thêm một đoạn nữa. Tại khu thành nhỏ này, người ta không tìm thấy dấu vết bức tường ở phía bắc và nó lấy sông Kôn làm hào để tạo thành lá chắn bảo vệ thành. Chính điều này cho thấy khu thành nhỏ được người đời xưa bố trí như một tiền đồn của khu thành lớn, là tuyến giao thông đường thủy rất quan trọng. Từ các đoạn trích trong Đại Việt sử ký toàn thư, bà Trần Thị Huyền Trang đã cho rằng, thành nằm ở bờ nam sông Ngũ Bồ có tên là Phật Thệ. Từ cửa Thi Lị Bi Nại có thể lên thành theo đường sông tu Mao (sông Tân An bây giờ). Theo người dân địa phương thì tại khu vực thành Cha ngày nay vẫn còn các địa danh như Đồng Mây, Đồng La. Căn cứ theo sự mô tả trong các tư liệu như Đại Nam Nhất Thống chí, Đại Việt sử ký toàn thư thì thành Phật Thệ hoàn toàn trùng khớp với địa cuộc của thành Cha ở thôn An Thành – Nhơn Lộc huyện An Nhơn. Vì vậy, rất có thể Thành Cha chính là thành Phật Thệ thuở xưa. Ngày nay, nhiều người vẫn nhầm tưởng thành Phật Thệ chính là một cái tên gọi khác của thành Đồ Bàn, cũng bởi vì cái tên Phật Thệ cứ được nhắc lại nhiều lần trong nhiều tư liệu lịch sử với tư cách là thành đô của kinh đô Vijaya. Còn theo tài liệu lưu trữ của Thư viện Bình Định: Thành Cha là toà thành còn có nhiều tên gọi khác trong dân gian như thành Hời, thành Hồ Xứ, thành Bắc, thành Cừ … nhưng tên gọi thông dụng nhất là thành Cha. Thành Cha thuộc xã Nhơn Lộc, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định. Toà thành được xây dựng trên một dải đất cao nằm trên bờ Nam sông kôn, cách thành Chà Bàn chừng 5km về phía Bắc. Hiện nay chỉ còn lại phế tích.
Về Kiến trúc: qua khảo cứu cho thấy, thành Cha có cấu trúc khá đặc biệt. Nhìn trên bình đồ, hệ thống thành giống như được liên kết bởi hai toà thành hình chữ nhật, một lớn, một nhỏ. Toà thành lớn nằm về phía Đông. Tường thành mặt Bắc chạy theo hướng Tây-Đông, dài 947m, mặt rộng 3-5m, chiều cao hiện còn khoảng 1m. Ở vị trí chính giữa tường thành nổi lên một gò đất cao 8m, thoải dần về hai phái mặt thành, có tên gọi là gò Cột Cờ. Bức tường phía Nam có chiều dài tương tự, nhưng đã bị bào mòn, chỉ còn cao hơn mặt đất một chút. Phần di tích còn rõ nhất là hai bức tường phía Đông và phía Tây. Tường phía Đông chạy theo hướng Bắc-Nam, dài 345m với chiều cao trung bình 4m, mặt thành rộng tới trên 30m. Bức tường phía Tây có độ dài và chiều cao tương tự, nhưng bề mặt hẹp hơn, khoảng 7m – 10m. Góc Tây Bắc của toà thành lớn được vây kín bởi hai đoạn tường thành, một chạy từ gò Cột Cờ xuống phía Nam dài 240m và một đoạn vuông góc với nó chạy sang phía Tây, nối với bức tường phía Tây của thành lớn tạo thành một khuôn viên hình chữ nhật. Chính giữa khuôn viên này có một gò gạch lớn, dấu tích còn lại của một công trình kiến trúc đã bị sập đổ. Thành hình chữ nhật nhỏ hơn nằm kề phía Tây Bắc thành lớn có chiều dài 440m, chiều rộng 134m. Tường phía Đông của toà thành này trùng với một phần bức tường phía Tây của thành lớn. Hai toà thành được liên kết với nhau thành một hệ thống mà chức năng của chúng cho đến nay vẫn chưa được nghiên cứu đầy đủ. Vết tích hệ thống hào xung quanh thành Cha còn khá rõ. Đường hào phía Nam còn tương đối nguyên vẹn, rộng tới 35-40m. Ở mặt Đông và Băc hào gần như đã bị lấp nhưng còn để lại một loạt các bàu, đìa, rộc và vùng trũng sâu liên tiếp nhau, chạy dọc theo tường thành. Trong lòng thành có khá nhiều gò đống như gò Gạch, gò Cây Me, gò Hời… Các nhà nghiên cứu đã tìm thấy ở đây không ít ngói vỡ, mảnh phù điêu trang trí bằng đất nung thể hiện tu sĩ Bàlamôn, hình phụ nữ… vỡ ra từ các công trình kiến trúc Chămpa trước đây.
Bằng công nhận di tích lịch sử văn hóa quốc gia Thành Cha do Bộ VHTT& DL cấp 2003.
Trong lịch sử Chămpa, thành Cha đã từng giữ vị trí đặc biệt quan trọng không chỉ đối với thời kì vương quốc Chămpa tồn tại mà cả trong các giai đoạn sau đó. Sau kinh đô Chà Bàn và các vùng phụ cận, vùng đất phía Đông Nam, về đại thể tương ứng với địa phận Tuy Phước hiện nay, có tầm quan trọng đặc biệt. Đây là vùng tiền duyên, có các cửa cảng, án ngữ cửa ngõ phía Đông kinh thành. Với vị trí trọng yếu như vậy, vương quốc Chămpa đã xây dựng nên ở đây nhiều cứ điểm phòng thủ kiên cố. Một trong số đó còn để lại di tích là thành Thị Nại. Theo WiKipedia tiếng Việt: Vijaya nằm tại vị trí mà hiện nay là xã Nhơn Hậu, Thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định. Cách quốc lộ 1A khoảng 2 km, toàn thể kinh thành nằm trên một vùng đất cao so với các cánh đồng xung quanh Theo ghi chép trong Doanh Nhai Thắng Lãm của Mã Đoan, viên thông ngôn của Trịnh Hòa (người nhà Minh, Trung Quốc) đến Vijaya khoảng năm 1413 thì kinh đô Chăm Pa thời kỳ này được miêu tả như sau:” Đi theo hướng tây nam một trăm lý thì sẽ tới kinh thành nơi nhà vua ngự, người ngoại quốc gọi là "Chiêm Thành". Kinh thành có lũy bằng đá bao quanh, ra vào qua bốn cổng, có lính canh gác. Điện vua thì cao và rộng, phần mái ở trên lợp ngói nhỏ hình thuẫn; bốn bức tường bao quanh có đắp trang trí công phu bằng gạch và hồ, rất gọn ghẽ. Các cánh cửa được làm bằng gỗ cứng, chạm trổ hình thù dã thú và cầm súc. Nhà cửa dân cư trong thành lợp mái tranh, chiều cao mái hiên (tính từ mặt đất) không quá ba "ch’ih", ra vào phải khom lưng cúi đầu, ai cao quá thì thật là bực mình Vijaya là kinh đô của Chăm Pa trong 5 thế kỷ, từ năm 999 đến năm 1471. Trong khoảng thời gian này, các triều vua Chăm cho xây dựng rất nhiều công trình ở kinh đô, nay còn lại là tám ngôi tháp. Qua các cuộc xung đột với Đại Việt, Champa mất dần các trấn phía bắc: Indrapura, Amaravati rồi đến năm 1471 thì chính Vijaya bị quân của vua Lê Thánh Tông vây hãm. Quân nhà Lê hạ được sau khi giao tranh đẫm máu. Theo Đại Việt Sử Ký Toàn Thư thì quân Việt bắt sống hơn 30.000 người Chiêm, trong đó có vua Trà Toàn còn 40.000 lính Chiêm tử trận. Đồ Bàn từ đó bị bỏ hoang. Mãi đến cuối thế kỷ 18, vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc mới ra lệnh xây dựng Thành Hoàng Đế trên nền cũ thành Vijaya cũ để làm kinh đô. Năm 1799 quân chúa Nguyễn Phúc Ánh tái chiếm thành Hoàng Đế và đổi tên là Thành Bình Định. Sang triều Gia Long năm 1816, nhà vua cho phá bỏ thành Bình Định và chuyển thủ phủ về Quy Nhơn. Hiện nay dấu tích của vương triều Chăm Pa tại Vijaya còn lại là đôi sư tử bằng đá, chạm trổ theo phong cách nghệ thuật Bình Định vào thế kỷ 12-14. Ngoài ra có ngôi Tháp Cánh Tiên, một trong các phong cách nghệ thuật tháp Chăm.
Sư tử bằng đá tại Thành Cha (kinh đô Vijaya) Bình Định
Di tích Đồ Bàn hiện nay không còn mấy ngoài tường lũy bằng đá ong, ngoài là hào cạn. Trong thành vẫn còn lối đi lát đá hoa cương, một thửa giếng vuông, tượng voi đá, và bên cửa hậu là gò Thập Tháp. Đặc biệt có ngôi tháp Cánh Tiên cao gần 20 mét, góc tháp có tượng rắn làm bằng đá trắng, voi đá và nhiều tượng quái vật. Kiến trúc tháp này được coi là tiêu biểu cho phong cách Bình Định có niên đại nửa sau thế kỷ 11 sang đầu thế kỷ 12, thuộc triều vua Harivarman IV (1074-1081) và Harivarman V (1113-1139). Phía Bắc thành có Chùa Thập Tháp Di Đà (được xây trên nền của mười tháp Chăm cổ); phía Nam thành có chùa Nhạn Tháp, đều là những ngôi chùa cổ. Khu vực Đồ Bàn nói chung còn giữ được nhiều di tích liên quan đến văn hóa Chăm Pa và phong trào Tây Sơn như lăng Võ Tánh, lăng Ngô Tùng Châu, cổng thành cũ. Trong lăng còn chiếc lầu bát giác cổ kính, trong lầu còn tấm bia đá khắc công tích của Ngô Tùng Châu và Võ Tánh (năm 1800). Bia bằng đá trắng, chịu nhiều gió bụi thời gian đến nay đã mòn cả những chữ Hán khắc trên đó.
Khai quật di tích Thành Cha năm 2015
Năm 2001, khi Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định lập hồ sơ, đề nghị công nhận là Di tích văn hóa cấp quốc gia thì thành Cha lúc bấy giờ mới được khảo sát, tuy nhiên nó cũng chỉ được khảo sát trên mặt đất và có rất ít thong tin trong các sử liệu. Thành Cha được xếp hạng Di tích văn hóa cấp Quốc gia vào ngày 27/11/2003. Trên thực tế, tòa thành cổ này hiện vẫn còn rất nhiều bí ẩn, cần được khai quật khảo cổ học để nghiên cứu, khám phá, tìm hiểu thêm.Thành Cha được xây đắp bằng đất, bên trong có trộn gạch vữa và ngói ống. Theo các nhà nghiên cứu, thành Cha có thể từng giữ chức năng là trung tâm chính trị, quân sự của châu Vijaya và sau đó nó gần như đóng vai trò là kinh đô ChămPa trong giai đoạn người Chiêm Thành dời đô từ đất Quảng Nam vào Bình Định. Cho tới hiện nay, mặc dù được công nhận là Di tích văn hóa cấp Quốc gia nhưng lối vào thành Cha vẫn chỉ là một con đường đất nhỏ, thậm chí khi hỏi đường, người dân địa phương vẫn không biết thành Cha nằm ở đâu. Trên một gò đất cao, ngoại trừ tấm biển công nhận di tích nằm trơ trọi ra, người ta khó có thể hình dung khu vực này từng có một tòa thành cổ ChămPa tồn tại. 2- Kết quả khai quật di tích thành Cha năm 2015 Chủ trì khai quật, PGS.TS. Lại Văn Tới (Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Kinh thành) công bố báo cáo sơ bộ kết quả khai quật thành Cha diễn ra từ ngày 5-11 đến ngày 30-12 - 2015, trên nền diện tích khai quật là 400m2 theo Quyết định số 3803/QĐ-BVHTTDL ngày 3-11-2015 của Bộ VH,TT&DL.Theo đó, trong phạm vi 440m2 khai quật đã phát hiện 3 lớp kiến trúc nằm chồng xếp lên nhau, từ dưới lên trên cũng là từ sớm đến muộn, kế thừa nhau và được sử dụng liên tục. Lớp kiến trúc 1 là một nền đền thờ có mặt bằng kiến trúc hình chữ nhật, diện tích gần 65m2. Trung tâm nền kiến trúc là di tích hố thiêng, liên quan đến nghi lễ Sima ở đạo Bà-la-môn; Lớp kiến trúc 2 có mặt bằng rộng hơn, vẫn lấy hố thiêng làm trung tâm, dấu tích của lớp kiến trúc này là 1 rãnh nước, 4 đoạn tường gạch, 3 nền lát gạch; lớp kiến trúc 3 là hệ thống các hố sâu chứa đầy gạch vỡ và gạch vụn (giống với kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi trong kiến trúc Đại Việt), xác định được 64 móng trụ gạch.
Phát hiện nhiều dấu tích tường thành tại hố khai quật di tích Thành Cha năm 2015
Tại hố khai quật, các nhà khảo cổ học đã phát hiện được ba lớp kiến trúc với quy mô mặt bằng kiến trúc khác nhau nằm chồng xếp lên nhau, kế thừa nhau và sử dụng liên tục.Trong đó, di tích sớm nhất và có mặt bằng, chức năng nhất là đền thờ (lớp kiến trúc 1) bình đồ hình chữ nhật, diện tích 64,78 m2. Ở bình diện thấp hơn nền, xuất hiện nhiều mảnh ngói, trong đó tỷ lệ ngói ống đáng kể cho thấy mái của kiến trúc được lợp bằng ngói âm dương, diềm mái lợp bằng ngói ống trang trí mặt hề hoặc mặt sư tử. Lớp kiến trúc thứ 2 có mặt bằng rộng hơn mặt bằng kiến trúc của lớp 1 về 4 hướng Đông, Tây, Bắc, Nam với diện tích 289,59 m2, đã phát hiện một rãnh nước phía Tây, 4 đoạn tường gạch và 3 nền lát gạch. Lớp kiến trúc thứ 3 là hệ thống hố sâu đào phá lớp kiến trúc 2 và chứa đầy gạch vỡ, gạch vụn như kỹ thuật gia cố móng trụ sỏi trong kiến trúc Đại Việt. Trong hố khai quật còn xác định được các trụ móng gạch. Về di vật, có 6.691 di vật thu được với nhiều chất liệu khác nhau như đất nung, đồ đá, hiện vật kim loại màu vàng…Trong đó, đáng chú ý có 488 mảnh gốm Sa Huỳnh. Từ ba lớp khai quật trên, dựa trên các phát hiện về nền kiến trúc hình chữ nhật, di tích hố thiêng, hiện vật thu được và đối chiếu với tư liệu lịch sử, bước đầu cho kết luận, với di tích có kiến trúc hình chữ nhật, di tích hố thiêng xuất hiện sớm nhất, có thể mang chức năng là đền thờ, tồn tại ở giai đoạn đầu khi khu vực này còn là thủ phủ của châu Vijaya (từ thế kỷ 4-6 đến trước thế kỷ 10). Các lớp kiến trúc sau có thể được xây dựng khi Thành Cha trở thành kinh đô chính trị, văn hóa của vương triều Vijaya (thế kỷ 11-15). Đoàn khai quật cũng đã thu được tổng số 6.691 di vật, gồm nhiều chất liệu khác nhau: đất nung (gạch, ngói, trang trí kiến trúc, đồ sinh hoạt), đồ đá (vật liệu kiến trúc, chày nghiền), hiện vật kim loại (1 nhẫn vàng). Di vật đang trong quá trình phân loại, chỉnh lý và nghiên cứu so sánh.
Thu được nhiều hiện vật gốm tại đợt khai quật di tích Thành Cha 2015
Qua so sánh quy mô, mặt bằng kiến trúc, vật liệu xây dựng, đặc biệt là hình trang trí trên mặt đầu ngói ống với các di tích Trà Kiệu, Cổ Lũy, Thành Hồ, niên đại của di tích được nhận định có thể ở vào thế kỷ 4 đến thế kỷ 6 sau Công nguyên. Về công năng, dựa trên các phát hiện về nền kiến trúc hình chữ nhật, di tích hố thiêng, di vật, đặc biệt kết hợp với một hiện vật quan trọng được người dân địa phương phát hiện năm 1992 là phù điêu bán thân tượng Kubêra (nữ thần tài lộc) mang phong cách của tượng thế kỷ X (hiện trưng bày tại Bảo tàng Tổng hợp tỉnh), đoàn khai quật đưa ra nhận định tại thành Cha có thể tồn tại kiến trúc đền thờ ở giai đoạn đầu khi khu vực này còn là thủ phủ của châu Vijaya. Thông qua đợt khai quật, lần đầu tiên di tích thành Cha được đo vẽ bằng phương tiện và kỹ thuật hiện đại như: đặt hệ thống lưới tọa độ cục bộ cho toàn khu vực thành Cha, trong đó có hố khai quật; đo chiều dài, rộng của thành bằng máy trắc đạc, xác định kích thước của hệ thống đường nước hay hệ thống hào thành; quay phim, chụp ảnh di tích từ trên cao bằng máy Flycam.
Họp Báo cáo kết quả đợt khai quật di tích Thành Cha năm 2015
Đánh giá về kết quả khai quật, PGS.TS. Nguyễn Giang Hải, Viện trưởng Viện khảo cổ học, cho biết: “Ngay ở lần khai quật đầu tiên đối với một di tích thành cổ Chăm-pa, trên nền diện tích nhỏ hẹp, đoàn khai quật đã gặp ngay kiến trúc đền thờ và hố thiêng. Có thể gọi đây là một trong những sự kiện của ngành khảo cổ Việt Nam trong năm 2015”. Đồng ý với nhận xét này, các ý kiến của TS. Lê Đình Phụng, TS. Đinh Bá Hòa (nguyên Giám đốc Bảo tàng Tổng hợp Bình Định) cũng cho rằng, kết quả lớn nhất, điều thành công nhất của đợt khai quật là đã tìm ra kiến trúc đền thờ mang tính chất tín ngưỡng của người Chăm-pa. Đây là “chìa khóa” cho những nghiên cứu tiếp theo về thành Cha. Bên cạnh việc đánh giá cao kết quả khai quật, Viện trưởng Viện khảo cổ học cũng bộc lộ quan điểm làm khoa học hết sức cẩn trọng, đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của bảo vệ di tích. PGS.TS. Nguyễn Giang Hải đề đạt: “Đứng ở góc độ khoa học, chưa nên kết luận gì về thành Cha. Với đền thờ, hố thiêng cùng di vật thu được, trước mắt xem như chúng ta tìm ra đúng những thứ cần để phục vụ cho công tác nghiên cứu, còn để hiểu về thành Cha, cần thêm thời gian, thêm nhiều đợt khai quật nữa. Điều có thể làm ngay là phải giữ gìn những gì còn lại của thành Cha. Tốc độ phát triển dân sinh đi rất nhanh, trong khi việc giải mã khảo cổ thì mất rất nhiều thời gian. Cơ quan chức năng, địa phương cần tăng cường tuyên truyền và có biện pháp bảo vệ di tích, giữ được thành Cha thì việc nghiên cứu mới thuận lợi, rút ngắn thời gian nghiên cứu, tiết kiệm được kinh phí và cho ra kết quả chân xác nhất so với lịch sử”.